Kinh tếMôi trường rừng

Sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

16:15 - Thứ Hai, 23/09/2024 Lượt xem: 1404 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn thu nhập cho người dân sống gắn bó với rừng, mà còn góp phần xây dựng nhiều công trình, mua sắm trang thiết bị phục vụ cộng đồng. Những công trình công cộng đó là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả từ dịch vụ môi trường rừng mang lại.

Người dân huyện Tủa Chùa tham gia lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cơn lốc lớn vào tháng 5/2023 làm tốc toàn bộ phần mái của nhà văn hóa bản Hồng Lếch Cuông, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Sau khi cộng đồng bản Hồng Lếch Cuông được chi trả 271 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2018 - 2022, cả bản phấn khởi, bàn bạc trích lại một phần trong số đó để lợp lại mái nhà văn hóa. Theo đó, từ số tiền được nhận, bản đã họp bàn thống nhất trích lại 75 triệu đồng sửa nhà văn hóa, còn lại chia mỗi hộ được 1,5 triệu đồng, số tiền còn dư sẽ để phục vụ cho công tác tuần tra và phòng cháy chữa cháy rừng của bản.

Anh Lò Văn Duyên, Trưởng bản Hồng Lếch Cuông, chia sẻ: Từ số tiền 75 triệu đồng trích lại từ tiền dịch vụ môi trường rừng, nhà văn hóa của bản đã nhanh chóng được sửa sang, lợp lại phần mái. Công trình hoàn thiện, các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa của bà con trong bản được triển khai thuận lợi rất nhiều. Có nơi sinh hoạt chung khang trang, kiên cố hơn nên bà con trong bản ai cũng đều phấn khởi khi thấy số tiền đóng góp của gia đình mình được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

Sau hơn 2 tháng nâng cấp, sửa chữa, tháng 10/2023, bản Hô Huổi Luông, xã Lay Nưa, TX. Mường Lay khánh thành nhà văn hóa bản trong sự vui mừng, phấn khởi của nhân dân. Theo trưởng bản Hờ A Nhè, ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước, bà con trong bản đã thống nhất trích một phần từ số tiền được chi trả dịch vụ môi trường rừng để hoàn thiện nhà văn hóa bản thêm khang trang như mua thêm bàn ghế, làm hàng rào thép bao quanh nhà văn hóa.

Nhà văn hóa bản Hồng Lếch Cuông khang trang, kiến cố hơn sau khi được tu sửa lại bằng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Được biết, bản Hô Huổi Luông là một trong những cộng đồng bản tiêu biểu trong bảo vệ rừng ở Mường Lay. Nhờ bảo vệ và chăm sóc rừng tốt, mỗi năm hai đợt, hơn 70 hộ dân bản Hô Huổi Luông đều được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Đơn cử trong hai năm gần đây, mỗi năm bản Hô Huổi Luông được chi trả hơn 600 triệu đồng tiền môi trường rừng. Nhà nào cũng sắm được xe máy, ti vi, dựng nhà mới đều một phần từ tiền chăm rừng, giữ rừng. Thế nên giờ đây bà con Hô Huổi Luông quý rừng, bảo vệ rừng như tài sản của mỗi nhà.

Những công trình cộng đồng được bà con ở bản Hô Huổi Luông hay Hồng Lếch Cuông đóng góp xây dựng là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả từ dịch vụ môi trường rừng mang lại. Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 96.000 gia đình hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó có hộ còn được hưởng hơn 120 triệu đồng/năm. Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Hơn hết, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được, các cộng đồng dân cư còn có thêm nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng…

Từ tiền dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng bản Hô Huổi Luông trích một phần làm hàng rào bảo vệ nhà văn hóa bản.

Thông tin từ Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, giai đoạn 2019 - 2023 tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn tỉnh đạt trên 1.150 tỷ đồng. Quỹ đã thực hiện chi trả trên 994 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho hơn 4.800 chủ rừng. Từ nguồn tiền này, mỗi cộng đồng có một cách quản lý và sử dụng khác nhau, song hầu hết đều hướng đến mục đích chung là quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, góp phần hỗ trợ sinh kế cho người dân tại thôn, bản.

Để nâng cao năng lực quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các chủ rừng cách thức quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời cấp phát cho mỗi chủ rừng sổ tay chi trả dịch vụ môi trường rừng để ghi chép thông tin và các khoản chi tiêu liên quan đến tiền dịch vụ môi trường rừng sao cho khách quan nhất. Từ đó, giúp cộng đồng các thôn, bản, tổ dân phố có cách làm hay, phát huy tối đa hiệu quả nguồn hỗ trợ từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhất là góp phần tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top